Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 5577
Tác giả: La Hoàn - Vân Anh
Bài đã được xuất bản.: 28/12/2010 06:00 GMT+7
(VEF) - Người dân vốn "gửi trọn niềm tin" vào báo, đài, nhiều khi phải chịu cảnh "tiền mất tật mang" vì tin quảng cáo. Trong khi đó, nhà báo, nhà đài lại "lờ lớ lơ" trách nhiệm của mình.
LTS: Tháng 11/2010, Quốc hội đã thông qua Luật bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng, trong đó quy định rõ các cơ quan truyền thông đăng, phát sóng quảng cáo sai sự thật phải chịu trách nhiệm liên đới.
Vẫn biết "quảng cáo chỉ là quảng cáo", nhưng một khi các thông tin đó được đưa lên mặt báo, lên đài truyền hình thì mức độ tin cậy đã tăng lên gấp nhiều lần. Người dân vốn "gửi trọn niềm tin" vào báo, đài, nhiều khi phải chịu cảnh "tiền mất tật mang" vì tin quảng cáo. Trong khi đó, nhà báo, nhà đài lại "lờ lớ lơ" trách nhiệm của mình.
VEF xin giới thiệu tuyến bài về quảng cáo sai sự thật và trách nhiệm của giới truyền thông để làm rõ vấn đề này.
Quảng cáo báo hại người dùng
Có một câu chuyện vui thế này: Một anh chàng chuyên làm nghề quảng cáo, sau khi chết xuống âm phủ, đến trước Cửa môn quan, phán quan hỏi: trước mắt anh có hai con đường. Một là đi lên Thiên Đàng, ở đó anh chỉ có cơm rau, hoa quả và phải trồng cấy lấy mà ăn; con đường thứ hai là xuống Địa ngục ở đó anh chả phải làm gì, mà lại được ăn ngon mặc đẹp, rong chơi suốt ngày.
Nghe thế anh chàng liền chọn con đường thứ hai. Kết quả là anh ta bị một lũ đầu trâu mặt ngựa hành hạ vô cùng cự khổ. Uất ức, anh ta gào phán quan mà mắng. Lúc này vị phán quan kia mới bảo: "Anh làm nghề quảng cáo mà không hiểu sao còn kêu"?
Tất nhiên, đó chỉ là một câu chuyện vui để giải trí. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, nhiều quảng cáo "nói vống" lên khiến người tiêu dùng bị mắc kẹt trong ma trận những "lời hay ý đẹp". Và sức mạnh của nó được tăng gấp bội lần nếu có sự "tiếp sức" của báo chí, đặc biệt là truyền hình.
Hay làm việc với máy tính, được nghe quảng cáo về các tác dụng "kỳ diệu" của vòng tay titan, cuối năm 2009, anh An Văn Biên - ngõ 175, Xuân Thủy, Cầu Giấy đã bỏ gần 1 triệu đồng để mua bộ vòng này về sử dụng.
"Đeo được hơn một tháng mà không thấy vòng có tác dụng gì tôi mới biết là mình bị lừa. Lúc đầu mua vì nghĩ đơn giản là tivi đã giới thiệu thì có thể tin tưởng được. Ai ngờ quảng cáo một đằng mà chất lượng một nẻo" - Anh Biên bức xúc.
Anh Biên chỉ là một trong số hàng nghìn nạn nhân của vụ "lừa đảo" vòng tay Titan Phật Quan Âm bị phát giác vào cuối năm 2009. Theo quảng cáo, vòng Titan có chứa gần 100% titan và germanium, gắn đá từ tính, có tác dụng chữa bệnh, điều hòa huyết áp, tránh được các bức xạ gây hại, nhất là với những người thường xuyên tiếp xúc với máy tính, điện thoại di động. Giá của mỗi chiếc vòng được rao bán là 999.000 đồng.
Vòng tay Titan giá gần 1 triệu đồng được quảng cáo rầm rộ với tác dụng chữa bệnh thần kỳ nhưng thực chất là vòng nhập từ Trung Quốc với giá 4.000 đồng.
Tuy nhiên, điều tra của cơ quan chức năng cho thấy sản phẩm này có chứa hơn 70% là sắt, không có tác dụng chữa bệnh, giá gốc của mỗi chiếc vòng này nhập từ Trung Quốc chỉ có 4.000 đồng.
Dù không được Bộ Y tế cấp phép quảng cáo vì sản phẩm không có tác dụng chữa bệnh nhưng Công ty TNHH STV Shopping, nhà phân phối vòng Titan, đã quảng cáo sản phẩm của mình trên 7 kênh truyền hình và mạng lưới bán hàng đã vươn ra 13 tỉnh, thành khắp cả nước.
Khi vụ lừa đảo bị phát giác, 2.552 bộ vòng tay Titan đã được tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Dư luận hết sức phẫn nộ vì niềm tin của họ đã bị lợi dụng.
Khi vụ vòng tay Titan chưa kịp lắng xuống, đầu năm 2010, các hãng hạt nêm lại tiếp tục làm người tiêu dùng thất vọng vì quảng cáo sai sự thật. Các kênh truyền hình ra rả điệp khúc "100% từ nước hầm xương", "Chin-su tự hào là hạt nêm không bột ngọt - không chất điều vị 621, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của Bộ Y tế", "tốt hơn cho sức khỏe của bạn"...
Xét nghiệm của Viện Vệ sinh Y tế Công cộng TP.HCM cho thấy hạt nêm có đến 30% lượng bột ngọt chứ không phải không phải kết tinh hoàn toàn từ xương hầm và thịt như quảng cáo.
Chính bởi tin tưởng vào những quảng cáo đó, nhiều người đã lựa chọn hạt nêm như một thứ gia vị hoàn toàn tự nhiên tốt cho sức khỏe và dùng thoải mái cho trẻ nhỏ. Nhiều người bị dị ứng với bột ngọt đã chuyển sang ăn hạt nêm mà không hay biết vẫn đang ăn phải bột ngọt. Hậu quả là đã có không ít người bị dị ứng, nổi mẩn, ngứa... phải chữa trị tại các cơ sở y tế sau khi ăn hạt nêm.
"Cơn lốc quảng cáo" không chỉ dừng lại ở đó, liên tiếp là những quảng cáo về các loại thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng,... có những chiêu lừa đầy ngoạn mục đối với người tiêu dùng. Trong đó, nổi bật là vụ việc sản phẩm Tâm não khang với những lời quảng cáo như một "siêu" thuốc, chữa được bệnh nan y.
Nhà báo, nhà đài "tiếp tay" quảng cáo "láo"?
Để những quảng cáo "láo" đến được với đông đảo người dân, các cơ quan truyền thông đã vô tình (hay cố ý?) "tiếp tay" cho các công ty bằng cách đăng, phát quảng cáo trên báo, đài của mình. Xem và mua sản phẩm vì tin vào quảng cáo, không ít người rơi vào hoàn cảnh "tiền mất, tật mang".
Theo thông tin từ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng, trong năm 2010, có khoảng hơn 1.000 đơn thư, khiếu nại được gửi đến hội dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, có từ 40 - 50% phản ánh về thực trạng quảng cáo sai sự thật.
Ảnh: NLĐ
Với hầu hết các vụ việc quảng cáo sai sự thật bị lật tẩy gây thiệt hại cho người tiêu dùng, chỉ có nhà sản xuất và doanh nghiệp phân phối sản phẩm bị liên đới, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các phương tiện truyền thông đăng tải quảng cáo, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng thì lại "lờ lớ lơ" phần lỗi của mình.
Trong khi đó, quảng cáo trên truyền hình được đánh giá là một trong những cách tiếp cận khách hàng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Truyền hình chiếm được lòng tin của công chúng, quảng cáo trên truyền hình có tác động rất lớn đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Có những sản phẩm bán chạy chỉ vì người ta tin vào quảng cáo
Với vai trò như là người "rao bán" sản phẩm, nhiều người vẫn tự hỏi tại sao khi xảy ra sự cố các phương tiện truyền thông lại "trắng trợn" phủi tay.
Khi vụ lừa đảo vòng tay Titan bị phát giác, Đài Truyền hình Quảng Nam đã bị người tiêu dùng khiếu nại lên cơ quan chức năng đòi công khai xin lỗi và bồi thường tiền mua vòng. Một số người quá bức xúc điện đến các cơ quan chức năng phản ứng quyết liệt chuyện nhà đài "tiếp tay" cho hành vi lừa đảo khách hàng của doanh nghiệp này. Vụ việc được nhiều người quan tâm nhưng nhanh chóng bị "chìm xuồng", dấu chấm hỏi vẫn đặt ra với trách nhiệm của đài truyền hình.
Một độc giả của VietNamNet là nạn nhân của chiếc vòng tay Titan bức xúc: "Các chương trình quảng cáo do biên tập viên và phát thanh viên của nhà đài giới thiệu nên nhiều người lầm tưởng là được pháp luật cho phép và phản ảnh đúng sự thật. Tin vào nhà đài nên người ta mới mua sản phẩm".
Cũng theo độc giả này, nhà đài phải chịu trách nhiệm với thông tin của mình đưa lên, kể cả quảng cáo. Quảng cáo sai thì phải có thông tin đính chính, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng chứ không thể ngừng đăng quảng cáo là xong.
PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng (Trưởng Khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh quảng cáo và yêu cầu các đơn vị liên quan phải tuân thủ. Tuy nhiên vẫn có một số doanh nghiệp lách luật, bằng cách khoa trương về sản phẩm trong khi giá trị sản phẩm không đạt được như vậy.
"Cơ quan truyền thông đại chúng là nơi kiểm duyệt cuối cùng trước khi lên sóng, chính vì vậy quảng cáo được phát trên kênh của cơ quan nào là sản phẩm của cơ quan đó. Do vậy cơ quan truyền thông phải có trách nhiệm với quảng cáo", bà Hằng nói.
Đường đi của một quảng cáo như thế nào, qua những khâu kiểm duyệt nào, các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu mà lại để "lọt lưới" các vụ lừa đảo ngoạn mục như vậy? Bạn đã từng tin vào báo chí, truyền hình mà vướng "bẫy" quảng cáo lừa?Theo bạn, người tiêu dùng có nên tin hoàn toàn vào quảng cáo?
Hãy gửi ý kiến tranh luận về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Báo VietNamNet qua email: vef@vietnamnet.vn.
Bài 2: Quản lý quảng cáo: "Tít mù nó lại vòng quanh"
Tags: